Altcoin là gì? Nên đầu tư Altcoin vào thời điểm nào?

0
188

Thuật ngữ “altcoin” thường được sử dụng để mô tả các đồng tiền điện tử khác ngoài Bitcoin. Từ “altcoin” được tạo ra bằng cách kết hợp “alternative” (thay thế) và “coin” (đồng tiền), ám chỉ rằng chúng là các loại tiền điện tử được coi là thay thế cho Bitcoin. Như vậy, altcoin là gì? Sự khác biệt giữa altcoin và Bitcoin là gì? Chúng mang lại lợi ích và hạn chế nào?

Altcoin là gì?

Altcoin là viết tắt của alternative coin, là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ bất kỳ loại tiền điện tử nào khác ngoài BTC (Bitcoin). Altcoin thường được xem là sự thay thế cho BTC, đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra và giữ vị thế “thống trị” trên thị trường crypto.

altcoin-la-gi

Hai trong số những đồng altcoin đầu tiên trên thị trường được tạo ra thông qua quá trình fork từ blockchain Bitcoin, bao gồm:

  1. Altcoin đầu tiên là đồng NMC của Namecoin, ra mắt vào tháng 04/2011.
  2. Altcoin thứ hai là đồng LTC của Litecoin, ra mắt vào tháng 10/2011.

Fork trong blockchain có ý nghĩa là sao chép mã nguồn (source code) của một blockchain hoặc dự án có mã nguồn mở, sau đó sửa đổi để tạo ra một blockchain hoặc dự án mới.

So sánh Altcoin và Bitcoin

Điểm giống nhau

Tính chất cơ bản, cả Bitcoin và Altcoin đều là các tài sản tiền điện tử với mức biến động cao và không ổn định (trừ stablecoin). Cả hai đều có những đặc điểm chung như sau:

  • Là hệ thống mạng ngang hàng (peer-to-peer), có thể sử dụng như một phương tiện trao đổi trong giao dịch kỹ thuật số.
  • Để mua hoặc lưu trữ Bitcoin hoặc altcoin, người dùng cần sử dụng ví tiền điện tử.
  • Cả hai đều được xây dựng trên công nghệ blockchain phân quyền (decentralized), không có tổ chức trung ương nào kiểm soát mạng lưới hoặc thực thi các giao dịch, thay vào đó, chúng dựa trên hệ thống các node phân tán.
Đặc điểm Altcoin Bitcoin
Tuổi đời Xuất hiện lần đầu vào năm 2011 Xuất hiện vào năm 2009
Chức năng Nhiều tính năng và trường hợp sử dụng Lưu trữ như một tài sản có giá trị bền vững
Công nghệ Thuật toán PoW, PoS, DPoS, POA Thuật toán PoW
Hệ sinh thái Đa dạng sản phẩm, dễ mở rộng Hạn chế

Điểm khác nhau

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chúng sẽ xuất phát từ các yếu tố sau:

  • Tuổi đời: BTC, ra đời năm 2009, là đồng tiền điện tử đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thị trường tiền điện tử. Các altcoin mới sau này được xây dựng và phát triển dựa trên thành công của BTC.
  • Chức năng: Trong khi BTC thường được giữ như một tài sản lưu trữ giá trị, các altcoin thường có nhiều trường hợp sử dụng hơn, đóng vai trò làm thử nghiệm cho những ý tưởng mới, tích hợp blockchain vào nhiều lĩnh vực và hoạt động như tài chính phi tập trung (DeFi), gaming, meme…
  • Công nghệ: Mạng Bitcoin sử dụng thuật toán đồng thuận Proof-of-Work (PoW) cho quá trình vận hành của mạng. Ngược lại, các dự án altcoin đã khám phá và phát triển nhiều thuật toán thay thế khác cho quá trình đồng thuận của blockchain, như Proof-of-Stake (PoS), Delegated Proof-of-Stake (DPoS), Proof-of-Authority (PoA)…

Ngoài ra, trong quá khứ, blockchain của Bitcoin chỉ hoạt động như một cuốn sổ cái phân tán phi tập trung để ghi lại các giao dịch BTC, không có khả năng hỗ trợ hợp đồng thông minh và không có hệ sinh thái sản phẩm hoặc dự án xoay quanh. Tuy nhiên, từ tháng 02/2023 trở đi, với sự xuất hiện của giao thức Ordinal và sau đó là chuẩn token BRC-20, hệ sinh thái của Bitcoin đã bắt đầu mở rộng với sự xuất hiện của các dự án NFT và các đồng meme coin gây sốt thị trường.

Mặt khác, nhờ vào kiến trúc hỗ trợ hợp đồng thông minh và có khả năng lập trình, các blockchain hoặc dự án altcoin thường sở hữu hệ sinh thái rộng lớn với nhiều ứng dụng và sản phẩm đa dạng xoay quanh.

Altcoin có lợi ích gì?

Hạn chế lạm phát

Ngoài Bitcoin, hầu hết các altcoin thường có tổng nguồn cung cố định, điều này làm cho chúng thường có mức lạm phát được định trước và sẽ dần giảm về 0 khi nguồn cung đạt đến mức tối đa. Khi tổng lượng coin được phát hành ra thị trường là không đổi, trong khi nhu cầu về đồng coin đó ngày càng tăng lên, điều này dẫn đến việc giá trị của nó sẽ tăng và lạm phát sẽ được kiểm soát trong dài hạn.

Sức mua của USD giảm qua các năm vì tỷ lệ lạm phát tăng - Howmuch

Điều này cũng là một ưu điểm nổi bật của tiền điện tử so với tiền pháp định (fiat). Bởi tiền fiat không có nguồn cung hạn chế và có thể dễ dàng được in thêm bởi các Ngân hàng Trung ương, điều này gây tăng lạm phát và giảm giá trị của đồng tiền fiat. Hình ảnh dưới đây rõ ràng thể hiện sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ lạm phát của đồng USD, dẫn đến sự mất giá và giảm sức mua của nó.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Theo số liệu từ CoinMarketCap (tại đây), hiện có hơn 17,000 đồng altcoin khác nhau trên thị trường. Điều này tạo ra cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư cho những người tham gia thị trường tiền điện tử. Bằng cách đầu tư vào nhiều loại altcoin, họ có thể phân tán rủi ro và tăng cơ hội đạt được lợi nhuận trong thị trường.

Thêm vào đó, các dự án altcoin thường mang đến nhiều tính năng, trường hợp sử dụng và công nghệ khác nhau. Ngoài việc có cơ hội kiếm lợi nhuận từ sự tăng giá, những người đầu tư giữ altcoin còn được hưởng nhiều lợi ích đặc biệt mà dự án cung cấp, như quyền bỏ phiếu, quyền truy cập sớm vào dịch vụ hoặc sản phẩm, nhận airdrop và nhiều ưu đãi khác.

Thúc đẩy công nghệ đổi mới

Về khía cạnh công nghệ, các dự án altcoin thường đưa ra các công nghệ mới hoặc nâng cấp các công nghệ hiện tại.

Bitcoin đã đóng vai trò tiên phong trong thị trường tiền điện tử, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế liên quan đến khả năng mở rộng, tốc độ và chi phí giao dịch. Các dự án altcoin (ngoại trừ meme coin) thường nhằm giải quyết những thách thức này của Bitcoin, thông qua việc triển khai các thuật toán đồng thuận mới, chức năng hợp đồng thông minh, và tính năng bảo mật, chẳng hạn như:

  • Ethereum giới thiệu khái niệm hợp đồng thông minh, cho phép thực thi tự động các điều khoản hợp đồng mà không cần sự kiểm soát hoặc phụ thuộc vào bên thứ ba, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ gian lận.
  • LayerZero giới thiệu giao thức cross-chain messaging, được ứng dụng phổ biến nhất trong các cầu nối (bridge), cho phép chuyển native token từ một chuỗi (chain) sang chuỗi khác một cách nhanh chóng mà không cần phải sử dụng wrapped token.

Cùng với sự tiến bộ về công nghệ, altcoin còn giới thiệu các tính năng cải tiến với các trường hợp sử dụng cụ thể mà tiền fiat hay Bitcoin không thể thực hiện được, mở ra những tiềm năng mới trong lĩnh vực thanh toán, tài chính phi tập trung (DeFi), và nhiều lĩnh vực khác…

Giúp người dùng gia nhập thị trường crypto dễ dàng hơn

Bitcoin và altcoin đều cung cấp khả năng thực hiện giao dịch xuyên biên giới, cho phép người dùng dễ dàng chuyển gửi và nhận tài sản crypto trên khắp thế giới mà không phải thông qua các hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, altcoin thường được xem là kênh tiếp cận dễ dàng hơn cho công chúng so với Bitcoin vì:

  • Có phí giao dịch thấp hơn.
  • Thời gian xử lý và hoàn thành giao dịch nhanh chóng hơn.
  • Tập trung vào cộng đồng mạnh mẽ hơn, với nhiều dự án khuyến khích cộng đồng tham gia vào quản lý và đóng góp vào sự phát triển của dự án.

altcoin-thuc-day-doi-moi

Những ưu điểm này không chỉ làm cho altcoin trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, mà còn giúp giảm bớt rào cản cho những người mới tiếp xúc với thị trường tiền điện tử. Altcoin có thể được xem là một bước phát triển tất yếu để thị trường crypto tiến về việc được chấp nhận rộng rãi.

Những điểm hạn chế của Altcoin

Biến động giá lớn & thanh khoản thấp hơn

Altcoin thường có vốn hóa thấp hơn so với BTC, làm tăng độ biến động và đôi khi khó dự đoán, tạo nên một kênh đầu tư với mức rủi ro cao. Thực tế cho thấy giá của altcoin có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba, hoặc ngược lại, giảm một nửa hoặc một phần ba chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày.

Đặc biệt, hiện tượng này thường xuyên xuất hiện trong mùa altcoin (hoặc altcoin season), thời kỳ mà altcoin đồng loạt tăng giá mạnh, mang lại lợi nhuận từ x2, x3 và thậm chí lên đến x10 trong vài tuần.

altcoin-bien-dong-gia-texo

Tính biến động này cung cấp cơ hội đầu cơ cho nhà đầu tư ngắn hạn, tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro, và người đầu tư nên tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, chỉ sử dụng số vốn nhàn rỗi (có thể mất).

Hơn nữa, hầu hết altcoin thường có thanh khoản thấp hơn Bitcoin, làm tăng khả năng phải đối mặt với mức trượt giá (slippage) cao khi thực hiện giao dịch mua hoặc bán altcoin.

Bảo mật kém hơn

Tính đến ngày 26/01/2024, tổng vốn hoá của thị trường tiền điện tử đạt mức 1.55 nghìn tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm khoảng 49.75% và altcoin chiếm 50.25% (theo thống kê của CoinMarketCap).

vốn hóa thị trường coin

Điều này khiến tiền điện tử (đặc biệt là các dự án altcoin) trở thành mục tiêu hấp dẫn của các hacker. Cùng với việc giới thiệu những công nghệ và tính năng mới, các dự án altcoin sẽ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến bảo mật của hợp đồng thông minh, ví và ứng dụng phi tập trung. Riêng trong năm 2022, đã có đến hơn 2 tỷ USD thiệt hại từ những vụ hack.

Chưa được pháp luật công nhận

Đến năm 2024, việc công nhận pháp lý cho crypto vẫn là một thách thức tại một số quốc gia. Theo Báo cáo thị trường crypto tại Việt Nam, việc chấp nhận và thiết lập khung pháp lý cho crypto được phân loại thành ba mức độ:

  1. Các quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp và phần lớn các nước châu Âu công nhận crypto là tài sản hợp pháp.
  2. Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan và một số quốc gia khác áp đặt cấm đối với crypto.
  3. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia nằm trong nhóm có quy định hỗn hợp, cấm sử dụng crypto trong thanh toán nhưng chưa cấm cá nhân sở hữu crypto.

Đối với những quốc gia cấm hoặc cấm một phần, những nhà đầu tư altcoin có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý liên quan đến việc tuân thủ quy định của pháp luật về tiền điện tử.

Đối với các dự án phát hành altcoin, việc giảm thiểu rủi ro pháp lý đòi hỏi sự đổi mới nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của chính phủ và cơ quan nhà nước.

Phân loại Altcoin

Altcoin có thể được phân loại thành nhiều loại dựa vào đặc điểm, mục đích sử dụng và công nghệ cơ bản, bao gồm:

  • Stablecoin: Là loại altcoin được thiết kế để duy trì giá trị ổn định trong thị trường tiền điện tử và giảm thiểu biến động giá, thông qua việc liên kết (peg) với các tài sản ổn định như tiền fiat, vàng, bạc, hoặc altcoin khác. Các stablecoin phổ biến bao gồm Tether (USDT), Circle (USDC), Dai (DAI), Paxos Gold (PAXG), Frax (FRAX)…
  • Mining-based coin: Loại altcoin hoạt động dựa trên quá trình khai thác hoặc đào các đồng coin native để xác minh và xử lý giao dịch. Đây là các altcoin sử dụng thuật toán Proof-of-Work (PoW), ví dụ như Ethereum trước sự kiện The Merge, Dogecoin, Litecoin, Siacoin…
  • Staking-based coin: Loại altcoin hoạt động dựa trên việc đặt cược (staking) coin vào các validator để xác minh và xử lý giao dịch. Đây là các altcoin sử dụng thuật toán liên quan đến Proof-of-Stake (PoS). Peercoin là đồng altcoin đầu tiên giới thiệu khái niệm đặt cược, và phương pháp này trở nên phổ biến hơn nhờ giảm năng lượng sử dụng so với việc đào coin.

stablecoin

Người dùng có thể đã quen thuộc với stablecoin khi tham gia thị trường tiền điện tử. Trong khi đó, mining-based coin và staking-based coin thường ít được đề cập hơn, do hai loại altcoin này còn có thể được phân chia thành nhiều dạng khác nhau dựa trên chức năng và ứng dụng cụ thể của chúng.

Theo đó, altcoin thường được phân loại thành một số loại phổ biến mà người dùng thường xuyên gặp trong các dự án altcoin như sau:

  • Payment token (Đồng thanh toán): Đây là dạng altcoin duy nhất, được tạo ra như một loại tiền kỹ thuật số với mục đích làm phương tiện trao đổi giá trị giữa các bên và sử dụng trong giao dịch hàng ngày. Ví dụ: token XRP của Ripple, token MNR của Monero, token HBAR của Hedera…
  • Governance token (Đồng quản trị): Loại altcoin được tạo ra để cho phép các chủ sở hữu token tham gia vào các vấn đề liên quan đến quản trị của giao thức như đề xuất, bỏ phiếu quyết định các đề xuất tính năng mới, thậm chí thay đổi hệ thống quản trị. Ví dụ: token BNB của BNB Chain, token ETH của Ethereum, token MKR của MakerDao…
  • Utility token (Đồng tiện ích): Loại altcoin được thiết kế để cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào một sản phẩm, dịch vụ hay chức năng cụ thể trong hệ sinh thái của dự án phát hành token. Ví dụ: token C98 của Ninety Eight, token ZRX của 0x, token REP của Augur…
  • Security token (Đồng chứng khoán): Loại altcoin đại diện cho quyền sở hữu của các tài sản chứng khoán trong thị trường truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, ETF, quyền chọn. Loại altcoin này thường được phát hành thông qua Security Token Offering (STO) và tuân thủ theo các quy định pháp luật về chứng khoán. Ví dụ: INX Token (INX), Overstock Token (OSTKO), Blockchain Capital (BCAP)…
  • Meme coin (Đồng meme): Loại altcoin lấy cảm hứng từ các meme, truyện cười, hình ảnh trên internet. Ban đầu chúng được thiết kế một cách ngẫu hứng, không có trường hợp cụ thể nào và thường được sử dụng để đầu cơ. Tuy nhiên, khi trào lưu meme coin ngày càng trở nên phổ biến, thị trường dần xuất hiện một mảnh ghép mới gọi là MemeFi (nền kinh tế xoay quanh các đồng meme coin). Ví dụ: Pepe coin (PEPE), Floki (FLOKI), Shiba Inu (SHIB)…

Những nhà đầu tư thường chú ý đặc biệt đến chức năng của token mà họ đang đầu tư, đặc biệt là những loại token quản trị (governance token) và token tiện ích (utility token), nhằm tận dụng mọi lợi ích từ quá trình đầu tư và giữ token. Ngược lại, các loại token như token thanh toán và token chứng khoán thường ít được đề cập và chưa có sự phổ biến trong thị trường tiền điện tử.

Nên đầu tư Altcoin vào thời điểm nào?

Khi quyết định tham gia thị trường Altcoin, việc hiểu rõ về khái niệm “mùa Altcoin” và cách xác định nó là rất quan trọng. Mùa Altcoin là thời kỳ vàng cho những nhà đầu tư Altcoin, được đặt tên theo hiện tượng này là mùa Altcoin.

Altcoin Season là gì?

Altcoin Season (Mùa Altcoin) là giai đoạn mà nhiều đồng Altcoin cùng lúc trải qua giai đoạn tăng giá mạnh, thậm chí có những tăng trưởng đáng kể lên đến nhân đôi hoặc nhân ba về giá trị, và đôi khi còn tăng lên gấp mười trong vài tuần. Một ví dụ tiêu biểu là mùa Altcoin trong tháng 09/2017, khi chỉ cần mua một đồng tiền điện tử nào đó trong khoảng thời gian này, tài sản của các nhà đầu tư đã tăng vọt.

altcoin season

Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ sự tập trung lớn từ cộng đồng đầu tư, sự quan tâm tăng cao đồng loạt đối với nhiều Altcoin, và có thể là do các sự kiện hoặc tin đồn tích cực. Để xác định mùa Altcoin, nhà đầu tư thường quan sát các biểu đồ giá, theo dõi sự chuyển động của thị trường và đánh giá tâm lý thị trường để có cái nhìn tổng quan về xu hướng chung. Việc nhận biết mùa Altcoin có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông minh về thời điểm mua và bán trong thị trường Altcoin.

Dấu hiệu của một mùa Altcoin mới

Một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự chạm đáy của chu kỳ là khi nhiều Altcoin đồng loạt trải qua giai đoạn giảm giá. Tất cả các đồng tiền ảo đều tuân theo các chu kỳ, và sau khi chạm đáy, thường là giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Khi kết hợp với các yếu tố thị trường khác, việc Altcoin chạm đáy có thể báo hiệu sự hồi phục của xu hướng giá, thậm chí là việc thiết lập những kỷ lục mới.

Bitcoin đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chu kỳ của Altcoin, chiếm hơn 60% thị trường. Mùa Altcoin thường bắt đầu khi Bitcoin chạm đáy và bắt đầu tăng trưởng lại. Lúc đó, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển sự quan tâm từ Bitcoin sang Altcoin.

Chỉ số “Bitcoin Dominance” thể hiện sự “thống trị” của Bitcoin trong thị trường. Khi dominance của Bitcoin giảm, đây là dấu hiệu tích cực cho sự gia tăng của Altcoin. Sự giảm Bitcoin Dominance cho thấy Altcoin đang chiếm lĩnh vốn hóa thị trường, là dấu hiệu cho mùa Altcoin.

Khi Bitcoin Dominance giảm và tổng giá trị thị trường tăng, đây là dấu hiệu rõ ràng cho việc Altcoin chuẩn bị bước vào những giai đoạn breakout lịch sử.

Ngoài các chỉ báo kỹ thuật, quan trọng là theo dõi các yếu tố như sự đổi mới công nghệ, tình hình kinh tế và các thông tin xã hội để hiểu rõ hơn về tiềm năng tăng trưởng của Altcoin. Sự nhạy bén đối với tâm lý và hành vi của nhà đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng khi đánh giá mùa Altcoin.

Hy vọng qua bài viết này, Tiệm coin đã giúp bạn đọc hiểu hơn về Altcoin, chúc bạn đầu tư thành công!